CHUYỂN ĐỔI SỐ GÓP PHẦN TRUYỀN CẢM HỨNG VÀ TẠO ĐỘNG LỰC CHO PHÁT TRIỂN MỚI
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban. Phiên họp và Hội nghị được truyền trực tuyến tới các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lào Cai.
Chuyển đổi số “đến từng nhà”
Theo báo cáo tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động chuyển đổi số đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).
Về hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, 63/63 địa phương (tăng 14 địa phương so với cuối năm 2023) đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương (tăng 2 địa phương so với cuối năm 2023) đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) ước đạt 1.928.311 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
Về hạ tầng số, toàn quốc có thêm khoảng 687.000 hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng rộng so với cuối năm 2023, nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng rộng đạt 82,2% (tăng 2,6% so với cuối năm 2023); toàn quốc có thêm trên 3,8 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, nâng tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 84% (tăng 3,2% so với cuối năm 2023).
Việt Nam có thêm 1 trung tâm dữ liệu hiện đại, lớn nhất cả nước của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với công suất 30 MW. Tỷ lệ chuyển đổi sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 60% (tăng 1% so với cuối năm 2023), đứng thứ 8 toàn cầu (tăng 1 bậc so với năm 2023).
Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt
Hội nghị đã đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm 2024 triển khai Đề án 06. Theo đó, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến; có 16,39 triệu tài khoản, 328 triệu hồ sơ đồng bộ và 28,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền 14.528 tỷ đồng. Việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán hộ kinh doanh với 65.786 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng, tăng 28.244 doanh nghiệp, hộ kinh doanh so với tháng 12/2023; số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 489,6 triệu hóa đơn, tăng 416,8 triệu hóa đơn so với tháng 12/2023.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.
Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, 63/63 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho 1.960.749 người với số tiền trên 8.280 tỷ đồng, tăng trên 7.000 tỷ đồng so với tháng 12/2023; có 72% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 8% so với năm 2023, vượt 12% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao; 100% cơ sở y tế đã triển khai khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp với hơn 95,3 triệu lượt tra cứu thông tin, giảm thời gian tiếp đón xuống 12 lần, bước đầu triển khai ki ốt khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội; triển khai phần mềm lưu trú tại 93.388 cơ sở lưu trú, với 8.778.722 lượt thông báo. Giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú quản lý hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự…
Bộ Công an đã thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, tăng 5,5 triệu tài khoản so với tháng 12/2023, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trên 35 triệu tài khoản trước 1 năm, kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản định danh điện tử, đạt 72,98%...
Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Đề án 06
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Chuyển đổi số góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người". Để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, phía trước còn rất nhiều việc phải làm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, thời gian tới, cần nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, thuộc trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào, xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn dân, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số; có chương trình, kế hoạch cụ thể, bám sát chỉ đạo, lắng nghe hơi thở cuộc sống, tăng cường sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, địa phương, làm việc nào dứt việc đó; giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng, sức lan tỏa và động lực trong sự phát triển về chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu và xác định đây là một loại “tài sản” quốc gia. Cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, làm chủ thể, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt với những người yếu thế, đối tượng chính sách thì phải có những chính sách riêng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành phải luôn giữ tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “không nói không, không nói có mà không làm” khi thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và Đề án 06.
Theo Báo Lào Cai điện tử
https://baolaocai.vn/chuyen-doi-so-gop-phan-truyen-cam-hung-va-tao-dong-luc-cho-phat-trien-moi-post386685.html