Lào Cai 23° - 25°
GIỚI THIỆU VỀ CỤC QUẢN LÝ ĐẤU THẦU

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

CỤC QUẢN LÝ ĐẤU THẦU

-------------------

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2011

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Ngày 29/12/2011, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm đấu thầu qua mạng giai đoạn 2009-2011 và đề xuất thực hiện đấu thầu qua mạng giai đoạn tiếp theo.

Đấu thầu qua mạng được quy định tại Điều 30 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 19/11/2005 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XI, tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho việc triển khai đấu thầu qua mạng tại Việt Nam. Việc ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ nhằm xây dựng Hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia nằm trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006 – 2010 (Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg ngày 15/9/2005), Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 1073/2010/QĐ-TTg ngày 12/7/2010) và Chương trình quốc gia về ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước (Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 27/8/2010) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự trợ giúp của Chính phủ Hàn Quốc mà đại diện là Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), đã tiến hành xây dựng Hệ thống đấu thầu điện tử thử nghiệm tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn dựa trên Hệ thống mua sắm chính phủ điện tử của Hàn Quốc (KONEPS) và được tối ưu hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trong giai đoạn thí điểm, Hệ thống do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và vận hành cung cấp cho người sử dụng đầy đủ các chức năng từ đăng tải kế hoạch đấu thầu, sơ tuyển, thông báo mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, lập biên bản mở thầu cho đến đăng tải kết quả đấu thầu, kiến nghị trong đấu thầu… để lựa chọn nhà thầu thông qua 4 hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, và chỉ định thầu.

Ngày 03/9/2009, được sự chấp thuận của Thủ tướng chính phủ tại văn bản số 6059/VPCP-KTN về chủ trương triển khai thí điểm đấu thầu qua mạng từ năm 2009 đến 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực hướng dẫn thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng tại UBND TP Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, và các các cơ quan có nhu cầu.

Ngày 22/7/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 17/2010/TT-BKH quy định chi tiết thí điểm đấu thầu qua mạng, tạo cơ sở pháp lý cho các đơn vị thực hiện đấu thầu qua mạng.

Trong 3 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức giới thiệu, hướng dẫn về đấu thầu qua mạng cho hơn 2000 cán bộ từ hơn 500 đơn vị chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu trong cả nước.

Tính đến cuối năm 2011, 3 cơ quan thí điểm và các đơn vị khác trong cả nước đã thực hiện thành công 55 gói thầu điện tử (toàn bộ các hoạt động như đăng tải kế hoạch đấu thầu, đăng tải thông báo mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, mở thầu, thông báo kết quả đánh giá… đều được thực hiện trên Hệ thống), đăng tải được hơn 700 kế hoạch đấu thầu, hơn 20.000 thông báo mời thầu (hiện nay tất cả thông báo mời thầu của các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu hàng ngày đều được đăng tải trên Hệ thống). Số lượng người dùng đăng ký sử dụng Hệ thống là hơn 1600 Bên mời thầu và hơn 400 Nhà thầu. Hội nghị cũng bàn và đề xuất kế hoạch thực hiện đấu thầu qua mạng trong thời gian tới.

Hiện nay trên thế giới, đấu thầu qua mạng đã trở thành xu thế tất yếu của rất nhiều quốc gia. Theo báo cáo của các nước đã triển khai, đấu thầu qua mạng có thể giúp tiết kiệm chi phí từ 3% - 20% giá trị đấu thầu mua sắm, trung bình là 10%. Tại Việt Nam, tổng giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật đấu thầu hàng năm khoảng 20% GDP tức hơn 20 tỷ USD. Như vậy, nếu chúng ta triển khai đấu thầu qua mạng cho tất cả các gói thầu (100%) có thể góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đôla, góp phần to lớn thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Quan trọng hơn, đấu thầu qua mạng làm tăng cường tính công khai minh bạch thông tin trong hoạt động đấu thầu, thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là sự cam kết của Việt Nam với các nhà tài trợ trên thế giới.

Cục Quản lý đấu thầu trân trọng cảm ơn Các cơ quan truyền thông đã kịp thời đưa tin và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

CỤC QUẢN LÝ ĐẤU THẦU

Ban QLDA Xây dựng hệ thống chính phủ điện tử thử nghiệm

                                                               Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 2009

 Thông cáo báo chí

----------

LỄ BÀN GIAO HỆ THỐNG MUA SẮM CHÍNH PHỦ

ĐIỆN TỬ THỬ NGHIỆM

            Ngày 04/9/2009 tại Hà Nội, Bộ KH&ĐT đã tổ chức lễ bàn giao hệ thống mua sắm Chính phủ điện tử thử nghiệm - EPPS.

Dự án Xây dựng hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm do Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA) viện trợ không hoàn lại, là một phần của đề án Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ. Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT) - Bộ KH&ĐT - được giao là chủ dự án. Nhà thầu chính là SAMSUNG SDS. Sau 8 tháng triển khai phân tích,  thiết kế và vận hành thử (từ tháng 01 - 8/2009), hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm đã hoàn tất và được bàn giao vào ngày hôm nay.

Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong mua sắm chính phủ là xu thế tất yếu trước sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin (CNTT). Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai thành công mô hình này và đem lại hiệu quả cao cho chi tiêu của chính phủ như Hàn Quốc, Vương Quốc Anh, Úc… Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngày 15/9/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 222/2005/QĐ-TTG về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006 – 2010 và giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu triển khai đề án Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ.

Ngày 19/6/2008, Bộ KH&ĐT và KOICA ký kết văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm tại Việt Nam”. Ngày 14/1/2009, Bộ KH&ĐT thông qua dự án xây dựng hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm theo quyết định số 94/QĐ-BKH với tổng mức đầu tư 3.370.766 USD, trong đó KOICA tài trợ không hoàn lại 3.000.000 USD và 370.766 USD là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Mục tiêu của dự án là xây dựng hợp phần e-bidding (đấu thầu điện tử). Đây là hợp phần cốt lõi phục vụ cho công tác đấu thầu chuyên nghiệp, đảm bảo tối đa hiệu quả và minh bạch.

Đặc điểm của hệ thống

Hệ thống mua sắm CP điện tử thử nghiệm (EPPS) được xây dựng dựa trên hệ thống đấu thầu thầu điện tử của Hàn Quốc (Koneps) và được tối ưu hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trong giai đoạn thử nghiệm, EPPS sẽ phát triển hợp phần e-bidding (đấu thầu điện tử). Theo đó, một loạt các quy trình đấu thầu truyền thống dựa trên giấy tờ sẽ được thay thế bằng quy trình tự động hóa trên máy tính như đăng tải kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, lập biên bản mở thầu, đăng tải kết quả đấu thầu, kiến nghị trong đấu thầu…Trong giai đoạn thử nghiệm EPPS sẽ triển khai 3 hình thức lựa chọn nhà thầu, bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu áp dụng cho các gói thầu tư vấn, sơ tuyển, mua sắm hàng hóa, xây lắp và EPC.

Thực hiện vai trò là cửa sổ duy nhất trong mua sắm công, bên mời thầu và nhà thầu chỉ với một lần đăng ký có thể tham gia giao dịch được tất cả các gói thầu trên hệ thống. Ngoài ra, một đặc điểm ưu việt của hệ thống là khả năng bảo mật cao nhờ áp dụng hạ tầng khóa công khai cho phép mã hóa và giải mã dữ liệu (hồ sơ dự thầu) sử dụng cặp khóa chung và khóa riêng (hay khóa bí mật). Bên mời thầu và nhà thầu khi tham gia vào hệ thống, bắt buộc phải đăng ký chứng thực số (CA) – khoá riêng. Khi đăng tải hồ sơ mời thầu, bên mời thầu cũng đồng thời cung cấp khoá chung cho nhà thầu. Nhà thầu lập hồ sơ dự thầu xong sẽ mã hoá hồ sơ dự thầu bằng khoá riêng được cấp ban đầu, và ký bằng khoá chung – được cấp cùng với hồ sơ mời thầu do bên mời thầu tạo ra. Việc ký bằng khoá chung này cho phép bên mời thầu mở được hồ sơ dự thầu (giải mã các hồ sơ dự thầu) với khoá riêng phù hợp (nằm trong cặp khoá chung – khoá riêng của gói thầu đó).

Lợi ích của hệ thống đấu thầu điện tử

Phòng chống tham nhũng

Do không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, hệ thống đấu thầu điện tử (e-GP) tạo ra luồng thông tin thông suốt và minh bạch cũng như khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ một cách dễ dàng, thuận tiện. Những thông tin này bao gồm các quy định về pháp luật, chính sách và hướng dẫn liên quan đến hoạt động mua sắm công và các thông tin đấu thầu (như kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, kết quả đấu thầu, kiến nghị trong đấu thầu…). Nhờ giảm được sự sai lệch về thông tin đấu thầu, e-GP góp phần thúc đẩy cạnh tranh trên phương diện số lượng (sự tham gia) và chất lượng (công khai và công bằng).

Một hệ thống đấu thầu điện tử có thể tự động hóa các quy trình đấu thầu bắt buộc, do đó cả bên mời thầu và nhà thầu không thể làm chệch hướng được các quy trình này như cách làm truyền thống. Ngoài ra, e-GP có thể xử lý quy trình đấu thầu trực tuyến và thu thập mọi dữ liệu về hoạt động đấu thầu một cách tự động, do vậy sự tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu là không cần thiết. Theo đó, giúp Chính phủ giảm thiểu cơ hội tham nhũng.

Tiết kiệm thời gian và chi phí

Tự động hóa các quy trình đấu thầu giúp giảm thiểu chi phí giao dịch cho cả bên mời thầu và nhà thầu. Nhà thầu không cần phải đi lại để mua hồ sơ mời thầu và nộp hồ sơ dự thầu, việc này không chỉ giúp nhà thầu tránh được những rủi ro khi đi mua hồ sơ, mà còn tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Hơn nữa, chi phí giao dịch trong quá trình tổ chức đấu thầu giảm đáng kể nhờ công nghệ internet rẻ hơn so với cách làm truyền thống như in ấn, và giúp giảm bớt giấy tờ nói chung. Ngoài ra, khi tham gia vào hệ thống, sau khi đăng tải thông báo mời thầu bên mời thầu có thể bán ngay hồ sơ mời thầu mà không phải chờ một khoảng thời gian nhất định. Đây là quy định mới đang được dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đóng góp vào sự phát triển của thương mại điện tử

EPPS cũng góp phần phát triển thương mại điện tử và khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại và triển khai hạ tầng công nghệ thông tin trên phạm vi toàn quốc.

Mọi thông tin xin liên hệ:

Địa chỉ: Phòng 306 nhà G, trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư - số 6B Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội
Số điện thoại: 080 44849, Số Fax: 080 43108 








image


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập