Lào Cai 25° - 26°
Tưng bừng đêm hội Sa Pa

"Sôi động đậm màu sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo du khách" - đó là cảm nhận của người dân Sa Pa trong đêm khai mạc Lễ hội 110 năm du lịch Sa Pa. Lễ hội đã thu hút trên 3 vạn khách du lịch tới thị trấn Sa Pa vào tối 2/11.

 

 Du khách xem Chợ tình tại Sân Quần (Sa Pa).

Sa Pa trong đêm khai mạc mang không khí tưng bừng, náo nhiệt. Dòng người thong thả khoác tay nhau dạo quanh những con đường trong thị trấn. Những quầy hàng ẩm thực truyền thống ở khu phố ẩm thực cũng kín người ngồi quây quần bên nhau.

Sau chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng của 400diễn viên mang chủ đề "Sa Pa vẫy gọi" gồm 3 chương: Ngày hội trên vùng ruộng bậc thang, Sa Pa rực rỡ sắc màu văn hóa và Sa Pa vẫy chào bè bạn đã tái hiện cuộc sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc Sa Pa, đem đến cho người xem một bức tranh toàn cảnh về một Sa Pa hấp dẫn, thân thiện, mến khách và Lễ trao Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho Nghi lễ Pút tồng của người Dao đỏ, Lễ hội Xuống đồng của người Giáy ở Tả Van và Nghề chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao Kỷ niệm chương và Bằng công nhận kỷ lục Việt Nam cho 3 danh thắng, đó là: Đèo Ô Quý Hồ  - Đèo dài nhất Việt Nam; Quần thể ruộng bậc thang lớn nhất và ruộng bậc thang có nhiều bậc nhất, mọi con đường đều dẫn du khách tới khu vực xung quanh Nhà thờ đá - nơi có phiên chợ tình nổi tiếng.

Từng tốp chàng trai, cô gái Dao, Mông hát giao duyên, thổi kèn lá, đàn môi dập dìu. Phiên chợ tình tái hiện cảnh kéo vợ của các chàng trai Mông, hát giao duyên của người Giáy, người Dao đỏ và lễ đón dâu ban đêm của người Giáy. Khách du lịch được dịp hỏi han về những phong tục của đồng bào trong kết bạn tâm giao: hát tâm tình từng đôi, hình thức tặng vòng, lấy túi kỷ niệm,...

Chợ tình Sa Pa được tái hiện trong đêm lễ hội tuy mang hơi hướng của những buổi biểu diễn nhưng vẫn là nơi giao lưu tình cảm, văn hóa các dân tộc. 2 giờ sáng, các cuộc giao duyên ở chợ tình càng trở nên đằm thắm. Sa Pa lại có một đêm không ngủ.  

 

Lễ hội Kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa (1903-2013) còn có nhiều hoạt động đặc sắc như Triển lãm "Sa Pa - Hành trình vươn tới đô thị du lịch quốc gia"; Vườn trưng bày ảnh "Sa Pa - Nơi gặp gỡ đất trời"; tham gia các trò chơi dân gian, đua xe đạp và chinh phục đỉnh Phan Si Păng...

Ngoài ra, du khách tham dự lễ hội có dịp trải nghiệm, khám phá nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc bản địa thông qua chương trình "Ngày hội văn hóa dân gian" được tổ chức tại điểm du lịch cộng đồng. Ở đó, du khách được chứng kiến các tập quán sinh hoạt truyền thống, tìm hiểu các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, làm chăn đệm cưới, rèn đúc... của người Mông, Dao, Tày, Giáy.






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập