Lào Cai 22° - 24°
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Giải bài toán về cung cầu vốn

Điều này thấy rõ trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các ngân hàng trên địa bàn đã đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng đã giảm lãi suất, giảm hoặc miễn nhiều loại phí, đầu tư khai thác nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp; cải cách, cải tiến quy trình thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp… Đặc biệt, các ngân hàng tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (theo Nghị định số 31 của Chính phủ và Thông tư số 03 của Ngân hàng Nhà nước), giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh và tăng hiệu quả sử dụng vốn vay.

Nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Qua tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai, tính đến ngày 20/10, tổng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp là gần 19.000 tỷ đồng; doanh số cho vay đối với doanh nghiệp lũy kế từ đầu năm đạt 23.700 tỷ đồng; doanh số cho vay doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lũy kế đạt 255 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 182 tỷ đồng đối với 18 doanh nghiệp.

Một trong những kết quả nổi bật của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều chính sách tín dụng ưu đãi, như tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất - nhập khẩu với lãi suất cho vay ngắn hạn 4,5%/năm; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn theo Nghị định số 55, Nghị định số 116 của Chính phủ với lãi suất ngắn hạn 4 - 4,5%/năm. Từ năm 2020 đến ngày 30/6/2022 (thời điểm kết thúc chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19), các ngân hàng đã hỗ trợ 443 doanh nghiệp với số tiền cho vay được hỗ trợ là 29.091 tỷ đồng; số lãi lũy kế đã giảm 1,3 tỷ đồng và 38 doanh nghiệp được hưởng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 113 doanh nghiệp, số tiền lên tới 8.495 tỷ đồng; cho vay mới với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lũy kế đến ngày 30/6/2022 là 19.703 tỷ đồng đối với 292 doanh nghiệp.

Đánh giá về Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, ông Trương Thanh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết: Hiệu quả mang lại rõ nét là nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các ngân hàng đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Chia sẻ kịp thời khó khăn với doanh nghiệp, tạo sự gắn kết giữa ngân hàng với doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, góp phần thực thi chính sách tiền tệ hiệu quả. Tiếp thêm động lực để phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Thông qua chính sách ưu đãi tín dụng, đã tiếp thêm động lực để các doanh nghiệpphục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Sự chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn về vốn cho sản xuất, kinh doanh của các ngân hàng đã giúp các doanh nghiệp “vượt sóng” Covid-19, từng bước phục hồi và duy trì tốc độ tăng trưởng.

Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Trong hơn 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19 và những thay đổi về chính sách quản lý thương mại biên giới của Trung Quốc cũng như những tác động từ xung đột Nga - Ukraine đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự chủ động vào cuộc, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn của ngân hàng thông qua các chính sách ưu đãi tín dụng đã đáp ứng kịp thời nguồn vốn để doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, để kết nối ngân hàng - doanh nghiệp hiệu quả và bền vững hơn, cần có sự chia sẻ từ cả 2 phía. Ngân hàng không làm khó nhưng theo quy định, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện như tài chính minh bạch, tài sản thế chấp, tính khả thi của các dự án, phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, mục đích sử dụng tiền vay…

Ông Nguyễn Đình Hải, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết: Chúng tôi luôn xác định doanh nghiệp là đối tác nên tạo điều kiện tốt nhất theo đúng quy định để doanh nghiệp tiếp cận vốn và các chính sách ưu đãi tín dụng. Tuy vậy, khó khăn nhất đối với ngân hàng hiện nay là nhiều doanh nghiệp không chứng minh được tính minh bạch, chính xác về báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh, tài sản thế chấp không đảm bảo dẫn đến rất khó phê duyệt, giải ngân vốn vay.

Đối với doanh nghiệp, để tiếp cận vốn vay của ngân hàng, doanh nghiệp buộc phải không có nợ xấu nhưng đồng thời phải có doanh thu, lợi nhuận, tài sản đảm bảo. Trong khi đó, trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như những biến động của thị trường, nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc chưa có lợi nhuận. Do vậy, nhiều doanh nghiệp mong ngân hàng có cơ chế linh động, phù hợp hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể tiếp cận được trực tiếp với chính sách hỗ trợ. Nếu không thì chỉ doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt mới kết nối được với ngân hàng, còn những doanh nghiệp khó khăn về tài sản đảm bảo và dòng tiền thì rất khó tiếp cận.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai, sự kết nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp là rất cần thiết nhưng phải theo đúng quy định. Thời gian tới, các ngân hàng trên địa bàn cần chủ động tăng cường kết nối, đối thoại với doanh nghiệp để cùng tháo gỡ những vướng mắc trong phạm vi cho phép. Các ngân hàng cần bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và hội sở chính để tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và kế hoạch kinh doanh đạt mục tiêu, hiệu quả, đồng thời rà soát các quy trình nghiệp vụ để bổ sung, sửa đổi phù hợp, tăng cường công khai, minh bạch các điều kiện cho vay, lãi suất vốn vay, mức phí sử dụng dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế, nhưng không giảm thấp điều kiện cho vay. Tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng, đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, chủ động biện pháp tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực thi chính sách tiền tệ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập