Ảnh minh họa.

Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tháng 7 đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ; 7 tháng đạt trên 237,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch, tăng 11,9% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 7 tháng đạt 11,57 tỷ USD tăng 10,2%, cao nhất từ 2018 đến nay; vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 7,24 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ.

Về chương trình phục hồi và phát triển, đến nay, 14/17 văn bản đã được ban hành, cơ bản tạo khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn để sớm đưa các chính sách vào thực tiễn. Trong đó, nhiều nội dung lần đầu tiên triển khai nhưng đã được nhanh chóng xây dựng, đánh giá tác động và ban hành theo đúng quy định. Việc giải ngân các chính sách thuộc Chương trình đạt kết quả tốt, thống kê sơ bộ đạt khoảng 48 nghìn tỷ/301 nghìn tỷ.

Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 7 là 15.500 doanh nghiệp, 7 tháng là 133,7 nghìn doanh nghiệp (gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng là trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 37,2% so cùng kỳ.

Chính sách tài khóa lan tỏa  vào cuộc sống

Trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân và cả nước đang nỗ lực phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch COVID-19 dù môi trường quốc tế đang nhiều rủi ro - thách thức, các gói chính sách hỗ trợ theo kế hoạch chung và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành từ đầu năm đang dần lan tỏa vào cuộc sống.

Theo TS. Cấn Văn Lực (Giám đốc Trường đào tạo BIDV), có được những thành tựu như hiện nay thì vai trò của các chính sách tài khóa là rất quan trọng, sức lan tỏa của các chính sách tài khóa hiện hành được thể hiện rõ nét qua 4 phương diện:

Sản xuất công nghiệp phục hồi nhờ dịch bệnh được kiểm soát và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành và triển khai. Nhờ các chính sách kiểm soát dịch bệnh linh hoạt, chính sách tài khóa với giảm, giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, ổn định chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (như giảm thuế, phí đối với xăng dầu) đã giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm tăng 8,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức 7,9% của cùng kỳ năm 2021 và dần tiệm cận mức 9,4% của cùng kỳ năm 2019, mức trước đại dịch.

Tiêu dùng trong nước phục hồi nhờ môi trường vĩ mô được duy trì ổn định và các chính sách giảm thuế (giảm thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường…). Trong 7 tháng qua, tổng mức bán lẻ tăng 16% so với cùng kỳ, cao hơn cả mức tăng 11% của năm 2019.

Chính sách tài khóa đã góp phần kiểm soát giá cả, lạm phát trong bối cảnh đang tăng cao thông qua việc: Giảm thuế phí (nhất là đối với mặt hàng xăng dầu, thuế VAT…), qua đó, hỗ trợ kiểm soát giá cả; Phối hợp với chính sách tiền tệ, giá cả ngày càng hiệu quả, góp phần tích cực kiểm soát lạm phát.

Đời sống xã hội được đảm bảo, tiến bộ xã hội tại Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phục hồi COVID-19 do Nikkei công bố tháng 7/2022 đánh giá Việt Nam xếp thứ 2/121 quốc gia, tăng 88 bậc so với tháng 1/2022 cho thấy mức độ hồi phục các hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam sau khi Chính phủ chuyển trạng thái chống dịch từ “Không có COVID” sang “phòng chống dịch bệnh linh hoạt, thích ứng và hiệu quả”. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Moody’s và Fitch đều nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức “tích cực” nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định môi trường vĩ mô và kiểm soát giá cả, lạm phát.
Ngay từ cuối năm ngoái và đầu năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đều đánh giá chính sách tài khóa là chính sách trọng tâm trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội như: Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi. 

Chương trình phục hồi đó tập trung triển khai các chính sách tài khóa là chủ yếu, chiếm khoảng 81% tổng giá trị chương trình bao gồm các cấu phần hỗ trợ về an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực y tế, chuyển đổi số doanh nghiệp.

Trong đó, một số chính sách quan trọng như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát; Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất quy mô 135 nghìn tỷ đồng; Hỗ trợ lãi suất từ tiền NSNN với giá trị 40 nghìn tỷ đồng; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quy mô 6,6 nghìn tỷ đồng; và Chính sách tăng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với quy mô 113,85 nghìn tỷ đồng dành cho đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược là chính sách được kỳ vọng tạo cú hích cho phục hồi kinh tế khi được triển khai hiệu quả.

Tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách tài khóa

Chia sẻ về một số nội dung cần thực hiện khi triển khai các chính sách tài khóa trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực cho biết, mặc dù Chương trình phục hồi được Quốc hội và Chính phủ ban hành khá sớm từ tháng 1/2022, nhưng một số cấu phần còn chậm. Cấu phần đầu tư cơ sở hạ tầng (quy mô 113 nghìn tỷ đồng) được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phục hồi kinh tế, song đến nay vẫn chưa thể triển khai với nhiều nguyên nhân như giá nguyên vật liệu (sắt, thép, xi măng…) tăng cao ảnh hưởng tới khâu dự toán đầu tư; công tác chuẩn bị đầu tư của bộ, ngành, địa phương còn chậm; quy trình, thủ tục cần thực hiện theo luật đầu tư công.

Ngoài ra, việc triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà còn vướng mắc do hướng dẫn thực hiện chưa chi tiết hoặc chậm trễ trong triển khai tại các địa phương. Tổng số lao động dự kiến hỗ trợ tiền thuê nhà khoảng 3,4 triệu người với quy mô 6.600 tỷ đồng, nhưng tới nay sau hơn 3 tháng các địa phương mới hỗ trợ được khoảng 1,2 triệu lao động, với tổng giá trị giải ngân gần 1.000 tỷ đồng (đạt khoảng 15%).

Điều này cho thấy trong thời gian tới, cần đặc biệt chú trọng khâu triển khai nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như làm giảm rủi ro “lệch pha” chính sách, lạm phát của Việt Nam với các nước trên thế giới (các nước hiện đang bước vào giai đoạn thu hồi các chính sách hỗ trợ, thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ) trong bối cảnh kinh tế đã phục hồi và lạm phát toàn cầu gia tăng.  

Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả, qua đó góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay và ổn định tỷ giá, lãi suất trong tầm kiểm soát, cũng là để ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội như đã đề ra.