Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung giải trình kiến nghị của Đoàn Giám sát Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Theo đó, công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua đã được Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành tiến hành đồng bộ, kịp thời, đáp ứng được nhiều kiến nghị của các địa phương, các đại biểu Quốc hội. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan trung ương đã ban hành 34 văn bản quy phạm pháp luật bao gồm 03 Nghị định của Chính phủ, 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 21 Thông tư cấp bộ; 75 văn bản thông thường để quy định, hướng dẫn thực hiện các nội dung, dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ tại Thông báo số 2901/TB-TTKQH ngày 19/10/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét một số giải pháp chính sách đặc thù tháo gỡ vấn đề vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, cụ thể: Đối với chính sách kiến nghị báo cáo Quốc hội xem xét quyết nghị tại Nghị quyết về giám sát chuyên đề đối với 03 chương trình mục tiêu quốc gia: Kiến nghị cho phép các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2023 chưa giải ngân hết sang thực hiện trong năm 2024; được quyết định việc điều chỉnh việc phân bổ, sử dung vốn giữa các nội dung, dự án không hiệu quả hoặc không còn đối tượng chi để tập trung vốn thực hiện các nội dung, dự án thuộc cùng 01 chương trình mục tiêu quốc gia còn đối tượng chi nhưng thiếu nguồn lực hoặc nội dung, dự án có hiệu quả cao đối với địa phương.
Đối với chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội quy định chính sách đặc thù: Chính phủ đã có Tờ trình số 557/TTr-CP ngày 16/10/2023 báo cáo Quốc hội xem xét một số giải pháp chính sách đặc thù để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến áp dụng một số quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Để đảm bảo giải pháp chính sách sớm được ban hành, kịp thời tháo gỡ cho các địa phương, kịp thời gian đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong 02 năm còn lại của giai đoạn, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua chủ trương xây dựng Nghị quyết đặc thù và bổ sung nội dung này vào Chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Về giám sát, đánh giá và xây dựng hệ thống thông tin giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác giám sát, đánh giá các chương trình đã được triển khai thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từng chương trình cho giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các cơ quan chủ tương trình đã ban hành các thông tư hướng dẫn về giám sát, đánh giá; đang xây dựng bộ chỉ số giám sát, đánh giá và xây dựng Hệ thống thông tin giám sát, đánh giá từng Chương trình; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giám sát chương trình mục tiêu quốc gia trên Hệ thống giám sát, đánh giá và quản lý về đầu tư công quốc gia; Bộ Tài chính thực hiện giám sát, đánh giá tình hình giải ngân vốn chương trình trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc. Dự kiến đến hết Quý II năm 2024, hoàn thành việc tích hợp các hệ thống để hoàn thiện Hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia về giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia. Thông qua đó để thống nhất hệ thống biểu mẫu báo cáo, đánh giá và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, số liệu giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước trong triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 31/12/2023 theo quy định. Trên cơ sở kết quả báo cáo kết quả thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước của các bộ, ngành và địa phương, Chính phủ sẽ xem xét giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các địa phương trong thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước (nếu có) theo nguyên tắc đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và tuân thủ quy định pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện công tác rà soát, nghiên cứu chuẩn bị nội dung, chính sách các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2026-2030. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia đối với đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng văn hóa giai đoạn 2025-2035; nghiên cứu, đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2026-2030; giao các bộ, cơ quan trung ương đề xuất định hướng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026 - 2030./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư