Lào Cai 28° - 29°
Hội thảo Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MPI

Khu vực FDI đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, trong 35 năm qua, khu vực FDI đã luôn khẳng định được vai trò là khu vực kinh tế năng động, có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ bản của nền kinh tế.

Đồng thời tác động tích cực đến cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tính đến nay, Việt Nam có 38.084 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD; Vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 287,1 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Riêng trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 1.924 dự án mới, 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 22.268 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với tổng vốn đăng ký gần 18,15 tỷ USD.

Việt Nam cũng đã chủ động thu hút, hợp tác FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Về thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, Samsung. Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, khiến thị trường nội địa đang mở rộng nhanh chóng.

Doanh nghiệp FDI cũng là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ thông qua áp lực cạnh tranh, áp dụng các mô hình sản xuất mới của doanh nghiệp ĐTNN để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa.

Các doanh nghiệp trong nước đang từng bước được tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp ĐTNN, điển hình như số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, một số hạn chế vẫn còn tồn tại như việc sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước, việc cập nhật công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho R&D còn hạn chế và mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định chia sẻ, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp không ít thách thức, đặc biệt chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 cũng tác động lớn đến chính sách đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia.

Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thu hút hiệu quả đầu tư FDI, các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, như Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Đầu tư năm 2020…

Chính phủ Việt Nam đã luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Hội thảo đã được nghe đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học và Công nghệ giới thiệu về các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ cao của Việt Nam, các chính sách, quản lý, thu hút và thực trạng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI cũng như đánh giá tác động lan tỏa và vai trò của FDI trong nền kinh tế Việt Nam.

Đại diện Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các doanh nghiệp FDI luôn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng trên 90%) trong số các doanh nghiệp thực hiện đăng ký chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Trong giai đoạn từ 01/7/2018 đến hết năm 2022, khi Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 có hiệu lực, trên cả nước có trên 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI (bao gồm cả hợp đồng sửa đổi, bổ sung).

Đầu tư FDI cũng đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước. Một số ngành, lĩnh vực có tỷ lệ cung ứng thành phẩm, bán thành phẩm của doanh nghiệp trong nước cho doanh nghiệp FDI khá cao như ngành xe máy đạt 85-95%; điện tử gia dụng 30-35%; thiết bị đồng bộ 30-40%; điện tử tin học và viễn thông 15-30%; ô tô 15-40% và công nghiệp công nghệ cao 5-10%.

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Một số nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Tổ hợp Samsung Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, Công ty FPT Semiconductor,… đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời có các chia sẻ về thực trạng, những vướng mắc cũng như một số đề xuất trong quá trình thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Samsung đã đồng hành trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong suốt 15 năm qua; cảm ơn Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm tới khó khăn của doanh nghiệp trong cả giai đoạn dịch COVID-19 và luôn nỗ lực để tạo một môi trường đầu tư thuận lợi nhất.

Để Việt Nam tiếp tục có môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch và có thể mở rộng thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ năm 2024, ông Choi Joo Ho đề xuất Chính phủ xây dựng chính sách ưu đãi mới cho các nhà đầu tư nước ngoài để duy trì năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt có phương án ưu tiên cho những doanh nghiệp quy mô lớn và có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, giúp xây dựng hệ sinh thái công nghiệp tại Việt Nam.

Đối với các hoạt động chuyển giao công nghệ cao của Samsung, Samsung Việt Nam đã thực hiện chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam với 379 doanh nghiệp được nhận tư vấn trong giai đoạn 2015-2023 và 33 doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Ngoài ra, Samsung còn có chương trình đào tạo chuyên gia khuôn mẫu và dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam.

Ông Choi Joo Ho khẳng định, Samsung Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ để nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đảm bảo được năng lực cạnh tranh về công nghệ và có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung và các doanh nghiệp toàn cầu; tiếp tục đầu tư lâu dài và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nỗ lực để chuyển giao công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện ưu đãi thu hút FDI trong công nghệ cao và chuyển giao công nghệ

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ bước đầu đã đạt được kết quả tích cực với sự tham gia của một số tập đoàn công nghệ cao, hoạt động chuyển giao công nghệ và phát triển hệ sinh thái đã có tiến triển. Các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước nâng cao công nghệ và năng lực cạnh tranh của mình.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao và chuyển giao công nghệ; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với thông lệ quốc tế; chủ động rà soát các ưu đãi để thu hút FDI chất lượng cao, trong đó có tiêu chuẩn cao hơn cho công nghệ cao và chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định về ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư có chọn lọc, có ưu đã để kịp thời đáp ứng quy định của thuế tối thiểu toàn cầu; rà soát cơ chế, chính sách và có biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu, tiếp thu chuyển giao công nghệ, trở thành nhà cung cấp quy mô lớn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến, đóng góp tại Hội thảo để đưa vào Báo cáo tổng kết 35 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thứ trưởng khẳng định./.

 

 
 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập