Lào Cai 24° - 27°
Xây dựng Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 88/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương. Trên cơ sở kết luận của Thường trực Chính phủ, ý kiến tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nền kinh tế nước ta trong 06 tháng đầu năm và dự báo nửa cuối năm tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, yêu cầu đặt ra đối với các bộ, ngành và địa phương là cần triển khai nhanh, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã ban hành, đồng thời tiếp tục có các giải pháp mới mạnh hơn, chủ động, quyết liệt; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực thi để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, củng cố, đẩy nhanh hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế; củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.

Do đó, việc ban hành Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương là rất cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết xác định 06 quan điểm, định hướng trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Một là, quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của các cấp, các ngành, các địa phương.

Hai là, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với tình hình; tranh thủ mọi thời cơ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng về: tiêu dùng trong nước; đầu tư của tư nhân, FDI, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công, gắn với chuyển đổi số, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; xuất khẩu.

Ba là, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách về thương mại, quản lý ngành, lĩnh vực nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, tăng khả năng tiếp cận vốn vay, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc; đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hạn chế tối đa thủ tục hành chính phát sinh trong thực thi chính sách; tuyệt đối không làm gia tăng thêm điều kiện, rào cản pháp lý, chi phí tuân thủ trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.

Năm là, tổ chức triển khai nhanh, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, chính sách đã ban hành, chủ động điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; kịp thời kéo dài thời gian thực hiện các chính sách đã phát huy hiệu quả để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nền kinh tế trong trường hợp cần thiết.

Sáu là, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường thông tin truyền thông, củng cố tâm lý, kỳ vọng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự thảo đưa ra mục tiêu là tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu tối đa để đạt kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2023, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quản lý, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; không để chậm chễ, phát sinh thời gian, chi phí không cần thiết, trái quy định trong xử lý thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân; đạt và vượt các chỉ tiêu về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, quy định về điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không cần thiết hoặc không phù hợp với thực tiễn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý cơ bản khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, dự án đầu tư, người dân, nhất là những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm.

Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của cán bộ, công chức; cơ bản khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trên cơ sở các quan điểm, định hướng, mục tiêu nêu trên, dự thảo Nghị quyết đã cụ thể hóa thành 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phân công cho các bộ, cơ quan và địa phương gắn với tiến độ hoàn thành. Trong đó nhấn mạnh đến các nhiệm vụ, giải pháp như thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI, gắn với thúc đẩy các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc./.

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập