Lào Cai 25° - 28°
Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào năm 2024
Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào. Ảnh: MPI

Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào; giới thiệu cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài của Lào; định hướng và giải pháp mới trong hợp tác đầu tư giữa hai nước; giải đáp vấn đề liên quan và bàn về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại Lào; thúc đẩy các cơ hội và dự án đầu tư mới.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào 245 dự án, có tổng vốn đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 2,75 tỷ USD. Trong năm 2023, vốn đăng ký đầu tư sang Lào là 116,6 triệu USD, tăng 65,3% so với năm 2022.

Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa…

Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD. Doanh nghiệp Lào được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cùng đại diện doanh nghiệp hai nước đã phát biểu giới thiệu về môi trường, chính sách thu hút đầu tư của Lào; tổng hợp một số vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào; tình hình triển khai các dự án đầu tư tại Lào trong các lĩnh vực khoáng sản, phát triển dược liệu, xây dựng, du lịch gắn với an ninh quốc phòng; ứng dụng công nghệ trong đầu tư phát triển dự án nông nghiệp tại Lào; tình hình triển khai các dự án điện gió tại Lào; tiềm năng hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp, khai thác khoáng sản…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamjane Vongphosy đánh giá cao hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn đóng góp quan trọng cho kinh tế - xã hội Lào, với phần lớn các khoản đầu tư là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh đến một số nội dung cốt lõi và gợi mở thông điệp về định hướng hợp tác đầu tư vào Lào trong thời gian tới, tạo sung lực mới để các doanh nghiệp sớm nắm bắt được cơ hội, nhanh chóng hiện thực hóa các dự án tiềm năng trong hợp tác đầu tư giữa hai nước.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhất trí với các ý kiến đánh giá sát với tình hình, kết quả hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Lào cũng như một số nội dung được nêu tại Hội nghị và khẳng định, với trách nhiệm của mình, Chính phủ Lào sẵn sàng lắng nghe các ý kiến và nghiên cứu, xem xét để tìm các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Lào ngày càng hiệu quả.

Theo đó, các bộ, ngành liên quan của Lào tiếp tục quan tâm thực hiện theo đúng quy định nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, tạo bước ngoặt mới quan trọng trong việc tập trung nỗ lực thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án đã được cấp phép, hoàn thành theo đúng tiến độ và chất lượng.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone mong muốn hợp tác giữa hai nước Lào - Việt Nam ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của hai Bộ Chính trị; cho rằng, sự trưởng thành của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào thời gian qua đã góp phần kích thích sự phát triển, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Lào.

Đồng thời cho biết, thời gian qua, Chính phủ Lào đã tập trung hoàn thiện thể chế, có những chính sách thu hút đầu tư và xây dựng các quy hoạch, trong đó có quy hoạch phát triển 12 khu kinh tế và đặc khu kinh tế. Cùng với đó, có các chính sách để các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, nhất là các ngân hàng thương Việt Nam tại Lào; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tiếp tục dành sự quan tâm, phối hợp cùng các bộ, ngành để nghiên cứu sửa đổi các chính sách, quy trình thủ tục cấp phép đầu tư thành hệ thống đồng bộ, hiện đại; quan tâm, giải quyết các vấn đề chính sách để tạo điều kiện cho đầu tư, nhất là nhà đầu tư tư nhân lớn sang đầu tư tại Lào, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và những lĩnh vực theo xu thế mới như nông nghiệp sạch, chế nông thành sản phẩm, kết nối cơ sở sản xuất; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát để giải quyết các vấn đề đúng và kịp thời.

Năm 2024, với cương vị là chủ tịch luân phiên của ASEAN đã đưa ra chủ đề: “Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi”, Lào tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, kết nối thúc đẩy liên kết với ASEAN; đồng thời, tổ chức năm du lịch, là hoạt động thu hút du khách vào Lào, mong đón nhiều người dân Việt Nam hơn nữa thăm Lào.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho rằng, thành công của Hội nghị lần này tiếp tục tạo bước chuyến biến tích cực để các doanh nghiệp xem xét, nghiên cứu đầu tư tại Lào; khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư kinh doanh tại Lào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời nhấn mạnh, hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước là nhu cầu khách quan; có ý nghĩa chiến lược; cần ưu tiên để thúc đẩy mạnh hơn nữa để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh và góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của mỗi nước, tương xứng với tiềm năng và tầm vóc của tình hữu nghị vĩ đại và đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, vì lợi ích thiết thực của nhân dân và doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả hợp tác thời gian qua và cho rằng, thời gian tới cần có đột phá về hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước. Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane, tuyến đường sắt Vũng Áng - Vientiane để kết nối Lào ra biển, hợp tác hàng không, hạ tầng kết nối các cửa khẩu.

Cùng với đó, tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai bên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước thời gian tới, tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai bên phối hợp, giải quyết các dự án tồn đọng, vấn đề còn vướng mắc; ưu tiên, thúc đẩy đầu tư. Theo đó, Chính phủ mỗi nước tiếp tục xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý, môi trường đầu tư thuận lợi; tăng cường đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đặc biệt, có chính sách ưu tiên phù hợp cho danh nghiệp hai nước, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp".

Đồng thời nhấn mạnh, mỗi chương trình, dự án hợp tác không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về kinh tế mà có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Sự thành công của các chương trình, dự án hợp tác đầu tư khẳng định và củng cố sự tin cậy chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mang lại của cải vật chất, cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ấm no cho nhân dân mỗi nước; củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hiếm Việt Nam - Lào; góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng rằng, kết quả hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, tạo tiền đề để kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024 và nhiệm kỳ này cao hơn nhiệm kỳ trước.

Trao các chứng nhận đầu tư, ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các cơ quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Lào. Ảnh: MPI

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cùng chứng kiến lễ trao các chứng nhận đầu tư, ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các cơ quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Lào trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, khai thác khoáng sản.

Phát biểu tiếp thu chỉ đạo của hai Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn các ý kiến chỉ đạo và chia sẻ tâm huyết của hai Thủ tướng và khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào sẽ lĩnh hội các nội dung chỉ đạo và ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để cùng các Bộ, ngành, địa phương hai nước tổ chức triển khai thực hiện, nhất là ưu tiên xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư của doanh nghiệp hai nước ngày càng hiệu quả và thực chất.

“Những nội dung chỉ đạo của hai Thủ tướng Chính phủ sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước tiếp thu, hoàn thiện kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ năm 2024 và tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể ngay từ đầu năm 2024”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời đề nghị cộng đồng doanh nghiệp hai nước nỗ lực hơn nữa vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay tạo đột phá đầu tư trong thời gian tới, trong đó tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông, nhân lực, các ngành lĩnh, vực ưu tiên của hai nước; vừa đầu tư kinh doanh hiệu quả các dự án hiện nay cũng như tìm kiếm các cơ hội, các dự án mới, đặc biệt là phải tuân thủ pháp luật của mỗi nước theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: đã hứa là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào./.

 

 
 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập