Lào Cai 24° - 27°
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: kinh tế vĩ mô 02 tháng đầu năm cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 02 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, chuyển biến tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển cả năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 tăng 3,98% so với cùng kỳ, tính chung 02 tháng tăng 3,67%; giá các mặt hàng cơ bản ổn định, không có tình trạng khan hiếm, thiếu hàng trong dịp Tết. Thu NSNN 02 tháng ước đạt 23,5% dự toán, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 02 tháng tăng 18,6%, 19,2% và 18%; ước xuất siêu 4,72 tỷ USD.

Tổng vốn FDI đăng ký 02 tháng đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ (vốn đăng ký mới đạt 3,6 tỷ USD, tăng 55,2%), trong đó đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo đạt 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng số vốn đầu tư đăng ký; vốn thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp FDI vào triển vọng phục hồi tăng trưởng, sự ổn định và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Đây là cơ hội để nước ta tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI, khai thác tối đa thời cơ, thuận lợi để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới, ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Tính chung 02 tháng, có hơn 41 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, xuất khẩu hàng nông sản tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 02 tháng tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%); Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02 tăng 8,5% so với cùng kỳ, tính chung 02 tháng tăng 8,1%; khách quốc tế 02 tháng đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ.

Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 02 Luật, 02 Nghị quyết, ban hành Nghị định 12/2024/NĐ-CP về định giá đất, cơ bản giải quyết được khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả nguồn lực đất đai, vốn tín dụng và triển khai 03 CTMTQG; đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách mới, đặc thù nhằm thúc đẩy và làm mới động lực về đầu tư, giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra tiến độ nhiều công trình, dự án trọng điểm trước, trong và sau Tết, động viên, khích lệ nhà thầu, công nhân thi công xuyên Tết, “3 ca, 4 kíp” để phấn đấu đạt và vượt tiến độ. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 110/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt .

Kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, việc triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến , phát triển Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy quyết liệt.

Các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ Tết được triển khai đầy đủ, kịp thời, có đổi mới và thiết thực hơn, với tổng số tiền đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho 13,9 triệu đối tượng chính sách theo chế độ, với kinh phí khoảng 7.762 tỷ đồng; xuất cấp 12,7 nghìn tấn gạo cứu trợ, cứu đói cho gần 850 nghìn nhân khẩu trong dịp Tết và giáp hạt đầu năm. Nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho người lao động, đối tượng chính sách được tổ chức, nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của xã hội, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.

Các lĩnh vực an sinh, văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm phát triển. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thúc đẩy việc làm, sinh kế cho người dân. Tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, lễ hội truyền thống để mừng Đảng, mừng Xuân, đón Tết, bảo đảm an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy du lịch. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết nhân dịp 94 năm thành lập Đảng, góp phần khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân. Ngành du lịch đã đón khoảng 10,5 triệu lượt khách nội địa trong thời gian nghỉ Tết, tăng 16,6% so với dịp Tết năm 2023.

Ngành giáo dục bảo đảm tiến độ dạy và học sau Tết; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm pháp luật, không sử dụng trái phép pháo nổ, bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội.

Ngành y tế làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm đủ nhân lực trực Tết, thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân trong dịp Tết.

Các cấp, ngành, địa phương, cán bộ, công chức quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương không tổ chức thăm, chúc tết, biếu, tặng quà cấp trên và lãnh đạo các cấp; quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, chủ động, tích cực và hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến một số khó khăn, thách thức và cho biết, các yếu tố rủi ro, biến động về nguồn cung, giá xăng dầu, lương thực, chất bán dẫn... trên thế giới cần được quan tâm, theo dõi sát để chủ động ứng phó kịp thời.

Nhiều vấn đề lớn, cấp bách đặt ra cả trước mắt và lâu dài, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu ngay từ đầu năm 2024, chủ động tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới, toàn diện, đột phá trong thu hút nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ... từ bên ngoài, các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao. Qua đó, giúp nền kinh tế khai thác hiệu quả cơ hội phục hồi từ các thị trường, đối tác; tranh thủ thời cơ, cơ hội mới, các xu thế lớn toàn cầu để tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng tăng trưởng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khối lượng, yêu cầu công việc trong nửa đầu năm 2024 và cả năm là rất lớn, trong khi đã hết tháng 02. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện hiệu quả, toàn diện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng nhiệm vụ được giao; làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo, chủ động tham mưu, đề xuất và xử lý công việc theo thẩm quyền, trong đó, lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp như bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án Luật, Nghị quyết, nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, nhất là những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, quy định mới, thí điểm, đặc thù, góp phần giải phóng nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng ngay trong năm 2024.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; Bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 01/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội; Thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; Khẩn trương cụ thể hóa các điều ước, thỏa thuận quốc tế, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao; nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách, giải pháp mới, toàn diện và đột phá để khai thác tối đa thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới cho tăng trưởng và phát triển.

Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính. Tập trung tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, nhất là trong phân cấp, phân quyền. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề có tính liên ngành.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát tình hình, làm tốt công tác dự báo, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, chủ động phương án ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống có thể phát sinh.

Làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân; chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường... Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, y tế cơ sở, y tế dự phòng, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Phòng chống thiên tai, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn, cháy rừng...; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5 tại các đô thị lớn.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao văn hóa giao thông để hạn chế thấp nhất tình trạng tai nạn giao thông. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm. Chuẩn bị chu đáo các hoạt động đối ngoại cấp cao, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước; tiếp tục củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước./.

 

 
 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập