Lào Cai 23° - 25°
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn

Nền kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là áp lực từ bối cảnh thế giới, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nền kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực.

Đáng chú ý, trong tháng 11, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung điều hành, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương nắm chắc tình hình, cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung xử lý các vấn đề lớn, mới phát sinh, nhằm tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế; theo dõi chặt chẽ tình hình doanh nghiệp, lao động, việc làm, chủ động có giải pháp hỗ trợ kịp thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân 11 tháng tăng 3,02%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; tín dụng cho nền kinh tế tăng 12,14%; chủ động điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với bối cảnh tình hình. Thu NSNN vượt dự toán 16,1% và tăng 17,4% so với cùng kỳ, bảo đảm đáp ứng các nhu cầu chi. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được giữ vững, cơ bản xử lý được tình trạng thiếu hụt xăng, dầu cục bộ. Thu hút đầu tư xã hội duy trì đà tích cực, vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt gần 19,7 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%, nhập khẩu tăng 10,1%; tiếp tục duy trì xuất siêu, 11 tháng ước đạt 10,6 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cơ bản ổn định; chủ động trong phòng chống thiên tai, bão lũ; bảo đảm tiến độ thu hoạch, tái vụ, tái đàn; sản lượng thủy sản như tôm, cá tra tăng khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%. Đăng ký doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 11 tháng đạt gần 195 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 40,5%.

Nhiều giải pháp, tập trung đã và đang được triển khai, kịp thời tháo gỡ, xử lý các vấn đề mới phát sinh, nhất là liên quan đến hệ thống ngân hàng, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, văn bản chỉ đạo, điều hành với trọng tâm là đánh giá đúng tình hình, nguyên nhân, xây dựng và triển khai các giải pháp điều hành các chính sách vĩ mô kịp thời, quyết liệt, hiệu quả.

Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm ứng xử phù hợp với các diễn biến tình hình thế giới, khu vực; tổ chức nhiều sự kiện ngoại giao cấp cao đa phương và song phương, nâng cao tình đoàn kết, hữu nghị, nhất là với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, quan trọng; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, thu hút FDI; chú trọng công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; triển khai kịp thời, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại.

Chủ động, quyết liệt, hiệu quả hơn

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng, nhất là áp lực từ bên ngoài làm bộc lộ rõ nét hơn những vấn đề nội tại, tích tụ lâu năm của nền kinh tế. Yêu cầu các giải pháp điều hành phải chủ động, quyết liệt, hiệu quả hơn để xử lý ngay, không làm tăng thêm các khó khăn, thách thức hiện thời, hạn chế tác động dây chuyền đến các ngành, lĩnh vực, động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong tháng 11, trước áp lực rất lớn của bối cảnh thế giới tiếp tục khó khăn, biến động phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực và gây thêm nhiều khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và điều hành kinh tế vĩ mô trong nước, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội, lĩnh vực, thị trường có dấu hiệu chững lại hoặc giảm so với tháng trước, mặc dù tính chung cả 11 tháng vẫn duy trì ở mức tích cực.

Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng. Chính sách tiền tệ chưa phát huy hết dư địa tăng trưởng tín dụng cả năm.

Tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại như thời kỳ phòng chống dịch, nhất là ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng... Tình trạng này là đáng lưu ý, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội khi dịp Tết Nguyên đán đã cận kề.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, nguyên nhân của kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng; sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Nổi bật là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, khoa học để cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội; đồng thời chủ động nắm bắt tình hình, chỉ đạo tập trung, thống nhất, quyết liệt các bộ, ngành để xử lý những vấn đề nóng, vấn đề mới phát sinh, đặc biệt là liên quan đến hệ thống ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, bất động sản, giá xăng dầu, điện, thuốc và vật tư y tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến nền kinh tế và xã hội, đời sống người dân.

Những khó khăn, hạn chế có nguyên nhân lớn nhất là do tình hình thế giới rất phức tạp, khó lường, ngày càng nhiều bất ổn, thách thức, rủi ro. Kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, cần thời gian để phục hồi; trong khi năng lực nội tại, sức chống chịu còn hạn chế, còn những vấn đề tích lũy lâu năm, bộc lộ rõ nét hơn trước tác động từ bên ngoài. Công tác dự báo còn nhiều khó khăn, phản ứng chính sách của bộ, ngành trong một số trường hợp còn chậm, công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp yêu cầu đề ra, chưa phối hợp chặt chẽ, chủ yếu nhằm giải quyết khi vấn đề đã phát sinh. Một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ.

Về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, sau 10 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao; ban hành 16/17 văn bản , cơ bản đáp ứng yêu cầu về cơ sở pháp lý để triển khai các chinh sách của Chương trình. Giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt 71,5 nghìn tỷ đồng.

Tiến độ giải ngân tháng 11 tiếp tục có chuyển biến tích cực

Về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2022, tính đến ngày 28/11/2022, tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là 550.400,63 tỷ đồng, đạt 94,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 94,6% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,7% kế hoạch). Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 29.646,204 tỷ đồng (bằng 5,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; chủ yếu là vốn cân đối NSĐP, còn 05/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch).

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 30/11/2022 đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 63,86%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 43,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14,8%. Có 06 cơ quan trung ương và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 05 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tiến độ giải ngân tháng 11 tiếp tục có chuyển biến tích cực cho thấy các giải pháp thúc đẩy đầu tư công đã và đang phát huy hiệu quả, đồng thời phản ánh đúng xu hướng giải ngân vốn đầu tư công, tăng dần vào cuối năm. Riêng giải ngân tháng 11 đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với mức trung bình giải ngân bình quân 10 tháng (khoảng 28,4 nghìn tỷ đồng/tháng).

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân 11 tháng vẫn chưa đạt yêu cầu do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có những nguyên nhân đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa xử lý dứt điểm như giải phóng mặt bằng, công tác lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án chưa tốt, năng lực nhà thầu, Ban Quản lý dự án còn nhiều hạn chế, vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa được phát huy đầy đủ, một số quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...

Để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục duy trì hoạt động của 06 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Trong tháng 11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo Tổ trưởng các Tổ công tác về việc tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thuộc các tổ công tác .

Qua tổng hợp báo cáo từ các Tổ công tác, bên cạnh những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân đã được tổng hợp trước đây, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trong đó có Bộ Giao thông vận tải, kiến nghị do là những năm đầu triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhiều dự án đang trong quá trình điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định nên việc điều chỉnh kế hoạch năm giữa các dự án trước ngày 15/11/2022 là không khả thi và kiến nghị cho điều chỉnh đến ngày 31/12 năm kế hoạch.

Về tình hình triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia, tính đến hết tháng 11 năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương đã ban hành 69 văn bản quy định cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện 03 Chương trình; vẫn còn 03 văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa hoàn thành theo quy định tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 04/11/2022. Toàn bộ 52/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 03 CTMTQG cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện hơn nữa

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng cuối năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm chỉ còn 01 tháng, các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện hơn nữa các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và 124/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chỉ thị số 15/CT-TTg về ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động đề xuất và thực hiện các giải pháp thích ứng kịp thời với bối cảnh, tình hình mới và các tình huống phát sinh; phát huy tinh thần chủ động, kịp thời, phối hợp chặt chẽ với nhau để tập trung xử lý, tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn, vướng mắc; tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu phát triển 05 năm đề ra.

Theo đó, các bộ, ngành tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để đẩy nhanh thực hiện 03 đột phá chiến lược; chủ động rà soát, sửa đổi các Thông tư theo thẩm quyền; kịp thời trình Chính phủ sửa đổi các Nghị định; tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa các Luật liên quan.

Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Các chính sách tài khóa, thương mại, xuất nhập khẩu và các chính sách khác, coi đây là yếu tố quyết định đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Theo dõi sát tình hình thế giới và việc điều chỉnh chính sách của các nước, kịp thời có đối sách phù hợp, sẵn sàng phương án điều hành khi bối cảnh thế giới thuận lợi hơn; có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh, nhất là lạm phát và các cân đối lớn, nguồn cung xăng dầu, vật tư chiến lược; điều tiết sản xuất, hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu dùng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.

Về tiến độ xây dựng nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023, mặc dù số lượng báo cáo và dự thảo báo cáo gửi về chưa đầy đủ, còn thiếu rất nhiều nội dung chi tiết về các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của các ngành, lĩnh vực, căn cứ Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động xây dựng đề cương, dự thảo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 theo hướng xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu được định lượng rõ ràng, nhiệm vụ, giải pháp gắn với trách nhiệm, tiến độ hoàn thành của từng bộ, cơ quan chủ trì.

Dự thảo Nghị quyết dự kiến bao gồm: phương châm hành động và trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ; nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; tổ chức thực hiện. Dự thảo Nghị quyết dự kiến bao gồm các Phụ lục bảng biểu, phân công nhiệm vụ cho từng bộ, cơ quan: các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023; một số chỉ tiêu cụ thể cho ngành, lĩnh vực; một số nhiệm vụ cụ thể cho ngành, lĩnh vực./.

 

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập