Lào Cai 28° - 31°
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các Cục/Vụ làm công tác Kế hoạch - Đầu tư của 13 bộ, cơ quan ngang bộ; các đồng chí Thường trực Tổ Chuyên gia tư vấn của Bộ trưởng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT, Cục trưởng Cục Thống kê của một số địa phương; Lãnh đạo các đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại điểm cầu các địa phương, có sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu là các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Chánh Văn phòng UBND; tập thể lãnh đạo Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT, Cục Thống kê và Trung tâm Xúc tiến đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dưới sự chỉ đạo của tập thể Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có nhiều đổi mới, cải cách mạnh mẽ, tham mưu cho Chính phủ các định hướng, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình mới; phối hợp cùng với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Không ngừng nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành khối lượng công việc lớn, bảo đảm tiến độ, chất lượng

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước; không ngừng nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành một khối lượng công việc lớn, bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó phần lớn là các việc quan trọng có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong năm 2023, Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp được Bộ đưa ra đều là các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững gắn với tiến trình phục hồi xanh toàn cầu.

Đồng thời, Bộ đã làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...) và các yêu cầu phát triển bền vững hậu Covid-19; phát huy vai trò tích cực trong công tác truyền thông chính sách, qua đó góp phần đáng kể tạo đồng thuận xã hội, ổn định tâm lý thị trường; kịp thời tham mưu các giải pháp, cơ chế, chính sách góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Trong Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất (chiếm trên 16%). Đến nay, Bộ đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình công tác, không nợ đọng.

Hình ảnh tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Tiên phong, chủ động đề xuất cải cách, đổi mới

Trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 02 Luật, 08 Nghị quyết của Quốc hội, 05 Nghị định của Chính phủ (và 06 Nghị định đã trình Chính phủ), 13 Thông tư, 17 Nghị quyết của Chính phủ, 05 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; làm cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của 06 Tổ công tác đôn đốc giải ngân, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, 07 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban chỉ đạo khác; làm thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định 05 quy hoạch vùng, 59 quy hoạch tỉnh, 01 Chương trình mục tiêu quốc gia, 04 dự án quan trọng quốc gia, 41 chương trình, dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn, đã ban hành gần 13 nghìn văn bản liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Trong công tác tham mưu xây dựng thể chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thể hiện vai trò tiên phong, chủ động đề xuất cải cách, đổi mới hướng tới mục tiêu tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả phân bổ, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh,…

Về triển khai xây dựng, điều hành thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, thực hiện các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 theo tinh thần chủ đề điều hành “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” với 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 142 nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chủ động nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình, từ đó tích cực, chủ động, kịp thời báo cáo, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, kịch bản điều hành tăng trưởng cùng với định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chiến lược nhằm ứng phó, thích ứng kịp thời, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước, tranh thủ cơ hội từ cạnh tranh chiến lược nước lớn, dịch chuyển dòng vốn đầu tư, các xu hướng lớn toàn cầu về kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng và phát triển theo các mục tiêu Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 05 năm đã đề ra.

Công tác quy hoạchđã có sự thay đổi rõ rệt trong tư duy và hành động theo hướng chủ động, kiến tạo, phát triển và tăng cường liên kết để phát triển, thực hiện thống nhất các chu trình: chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư. Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định 05 quy hoạch vùng, 59/63 quy hoạch tỉnh (trong đó 50 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt) bảo đảm phát triển có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên.

Về công tác quản lý đầu tư công,ngay sau khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết về dự toán và phân bổ NSTW năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong quá trình triển khai điều hành Kế hoạch đầu tư công năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị, Công điện về triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023; tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, Bộ đã triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân,… Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có những cải thiện rõ rệt qua từng tháng, là động lực quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt khoảng 95%, cao hơn năm 2022 khoảng 3,58 điểm % (91,42%).

Công tác xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục được Bộ đặc biệt quan tâm; triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh doanh bền vững.

Trong năm 2023, Bộ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương rà soát, tổng hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư; hướng dẫn thực hiện các quy định có cách hiểu chưa thống nhất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, năm 2023, Bộ đã triển khai nhiều hoạt động, tham mưu nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ, đã bước đầu viết nên câu chuyện về đổi mới sáng tạo, dần định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, trong đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là hạt nhân, là đầu tàu tiên phong; khẳng định được vai trò, vị thế và uy tín của NIC nói riêng và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói chung. Bộ đã tổ chức thành công Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động mới của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đây là nhân tố quan trọng hình thành hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam; đồng thời, tổ chức Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 với các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các giải pháp công nghệ mới trong 08 lĩnh vực trọng tâm của NIC thu hút hơn 50 nghìn người tham dự.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự kiện Khánh thành NIC Hòa Lạc đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học, công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2023 do các nhà báo khoa học - công nghệ bình chọn và là 1 trong 10 sự kiện nổi bật trong năm 2023 do VTV bình chọn.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tích cực trong cải cách, hiện đại hóa hành chính, chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, theo đánh giá và công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông,Bộ xếp thứ 1 trên tổng số 17 bộ, cơ quan ngang bộ về mức độ chuyển đổi số.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài và quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức,năm 2023 được đánh giá là năm thành công thu hút vốn FDI, theo đó, vốn FDI vào nước ta đạt kỷ lục 36,6 tỉ USD với hàng loạt dự án chất lượng cao như các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip…; Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Nghị quyết số 108/NQ-CP về huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỉ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của các dự án vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Về công tác cải cách hành chính,Bộ đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt đã có sự cải thiện, nâng cao hơn về thứ bậc xếp hạng chỉ số cải cách hành chính.Việc ứng dụng công nghệ thông tin luôn được coi là một trong những nội dung quan trọng của công tác cải cách hành chính.Với việc ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, gửi nhận văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cách thức làm việc của Bộ. Hiện, 100% các đơn vị thuộc Bộ đã xử lý, điều hành công việc trên Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc; 100% văn bản đi gửi các bộ, ngành được gửi dưới dạng điện tử. Công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ ngày càng được chú trọng và nâng cao.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Tiếp tục khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nhằm phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong những năm qua; khẩn trương, kiên quyết, kiên trì khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập, quyết tâm nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo phương châm hành động năm 2024 của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, vai trò tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, triển khai nhiều cải cách, đột phá.

Theo đó, tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt để hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Tiếp tục kiên định, kiên trì mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Thúc đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024; kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Đẩy nhanh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại.

Đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính; tiếp tục tham mưu cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập và hoạt động trên thị trường theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu triển khai các mô hình kinh tế mới. Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Nghiên cứu cơ chế và cụ thể hóa các quy định trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm huy động tối đa các nguồn hỗ trợ tài chính, tri thức tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo.

Theo dõi sát sao tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và hợp tác xã. Tập trung tham mưu giải quyết các khó khăn, rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; đề xuất phương án sắp xếp, phát triển doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, đặc biệt là các doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt.

Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số toàn diện trên mọi lĩnh vực của Bộ thông qua chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, nền tảng số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, góp phần phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của Bộ; Đẩy mạnh triển khai thực hiện liên kết vùng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội; tập trung thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện lớn của đất nước và của Bộ./.

 

 
 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập