Lào Cai 26° - 29°
Chiến lược dữ liệu đến năm 2030 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Quyết định nêu rõ năm quan điểm. Một là, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc triển khai các giải pháp Chính phủ điện tử, Chính phủ số luôn phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo nền tảng cho hoạt động thực hiện chuyển đổi số tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hai là, đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành của Bộ. Chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã dựa trên dữ liệu.

Ba là, dữ liệu người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp được tích hợp, chia sẻ, tái sử dụng, phát huy tối đa nhằm cải thiện các dịch vụ công, gia tăng hiệu quả sự phục vụ của cơ quan nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng và toàn xã hội.

Bốn là, phát triển, sử dụng dữ liệu phải gắn với đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng; coi trọng bảo vệ tính riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo vệ chủ quyền dữ liệu quốc gia.

Năm là, tích cực phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực dữ liệu, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về dữ liệu, xử lý dữ liệu số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu.

Chiến lược đưa ra mục tiêu đến năm 2030, từng bước hoàn thiện, củng cố hạ tầng dữ liệu Bộ, ngành kế hoạch và đầu tư và thống kê. Theo đó, phát triển hoàn thiện trung tâm dữ liệu thành hạ tầng lưu trữ, chia sẻ dữ liệu quan trọng của Bộ; Hoàn thiện Nền tảng điện toán đám mây Bộ; Phát triển Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động.

Hoàn thành việc số hóa dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng: Về đăng ký doanh nghiệp; Về đầu tư; Về đấu thầu; Về đầu tư công; Về quy hoạch; Về doanh nghiệp; Giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; Đăng ký hợp tác xã; Dữ liệu thống kê kinh tế - xã hội; Đăng ký hộ kinh doanh; Khu công nghiệp, khu kinh tế. Chuyên ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về phát triển dữ liệu phục vụ Chính phủ số: 100% dữ liệu cơ bản tạo nền tảng cho Chính phủ số được hoàn thành và chia sẻ: dữ liệu về doanh nghiệp trong danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi thực hiện thủ tục hành chính do Bộ quản lý: 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ do Bộ ban hành được lưu trữ trong kho dữ liệu số của Bộ, 80% dữ liệu được chia sẻ và sử dụng lại trong các thủ tục hành chính, hoạt động hành chính và sử dụng thay thế hoàn toàn bản giấy.

100% thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao hiệu quả dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.100% cơ sở dữ liệu của Bộ được quản lý, lưu trữ ở trung tâm dữ liệu của Bộ đạt tiêu chuẩn và kết nối đồng bộ thông suốt với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ, Cổng dữ liệu của Bộ. 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ được số hoá và xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Lưu trữ tài liệu điện tử:

Mục tiêu đến năm 2025: Bảo đảm tối thiểu 80% tài liệu lưu trữ tại Bộ được tạo lập dạng điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và lưu trữ điện tử (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác);

Bảo đảm tối thiểu 90% Lưu trữ Bộ thực hiện quy trình khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ trong môi trường mạng (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác);

Bảo đảm tối thiểu 80% tài liệu lưu trữ điện tử hình thành trong Bộ, các tổ chức thuộc Bộ thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử có thời hạn bảo quản vĩnh viễn được trích xuất chuyển giao vào Lưu trữ lịch sử trong thời hạn 03 năm kể từ khi tài liệu được tạo lập (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác).

Đến năm 2030: Bảo đảm các chỉ tiêu nêu trên đạt 100% và 70% hoạt động kiểm tra của các đơn vị được thực hiện qua môi trường số và thông tin, dữ liệu sẵn có của cơ quan quản lý.

Về phát triển dữ liệu phục vụ kinh tế số, xã hội số, Quyết định nêu rõ, phát triển dữ liệu về: Đăng ký doanh nghiệp; Đầu tư; Đấu thầu; Đầu tư công; Quy hoạch; Doanh nghiệp; Dữ liệu về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; Dữ liệu về hợp tác xã; Dữ liệu thống kê kinh tế - xã hội; Dữ liệu về đăng ký hộ kinh doanh; Dữ liệu về khu công nghiệp, khu kinh tế. Từng bước mở dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; mọi công dân có thể theo dõi, cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng: 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quan trọng của Bộ được triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình bảo vệ 4 lớp, đồng thời triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Quyết định đưa ra sáu nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, về xây dựng quy chế, quy định: Bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế về quản lý, kết nối dữ liệu số, về dữ liệu mở và chia sẻ dữ liệu theo các quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Xây dựng và ban hành các quy chuẩn hoặc quy định kỹ thuật về cấu trúc dữ liệu, các quy chế, quy trình chia sẻ dữ liệu, quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia, đầu mục dữ liệu lớn được giao làm chủ quản, cơ sở dữ liệu thuộc thuộc phạm vi quản lý của Bộ; Rà soát, bổ sung kế hoạch về dữ liệu mở.

Xây dựng Danh mục dữ liệu lớn và kế hoạch phát triển dữ liệu lớn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành, địa phương.

Rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình phù hợp với định hướng Chiến lược này. Bổ sung các mục từ điển dữ liệu vào Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư những phiên bản tiếp theo.

Xây dựng các chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu, tư vấn chiến lược quản trị dữ liệu, cung cấp nền tảng, dịch vụ quản trị dữ liệu; Xây dựng và ban hành các nguyên tắc sử dụng dữ liệu, các quy định hướng dẫn về an toàn khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Bộ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Xây dựng, hoàn thiện các quy chế chia sẻ dữ liệu giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các Bộ, ngành để biên soạn các chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Thứ hai là, phát triển hạ tầng dữ liệu. Theo đó, hoàn thiện Cổng dữ liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại địa chỉ https://data.mpi.gov.vn/, kết nối thống nhất với Cổng dữ liệu quốc gia để cung cấp dữ liệu mở, dịch vụ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Từng bước cung cấp dữ liệu mở của Bộ trên môi trường mạng nhằm tăng cường chia sẻ, tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy sáng tạo, phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Xây dựng và duy trì hoạt động ổn định của Trung tâm dữ liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đạt tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo dữ liệu được kết nối đồng bộ, liên thông và có khả năng dự phòng lẫn nhau.

Xây dựng Nền tảng điện toán đám mây của Bộ; Trung tâm dữ liệu của Bộ sử dụng nền tảng điện toán đám mây, kết nối với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Kết nối trung tâm dữ liệu của Bộ với Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX), đảm bảo việc cập nhật và khai thác sử dụng dữ liệu được hoạt động liên tục và ổn định trong nước, ngay cả trong trường hợp kết nối Internet đi quốc tế bị mất, hoặc bị ngắt.

Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thu thập và truyền tải dữ liệu tại Bộ. Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính phủ số.

Thứ ba là, phát triển dữ liệu. Theo đó, tập trung phát triển dữ liệu trong các lĩnh vực: Đăng ký doanh nghiệp; Đầu tư; Đấu thầu; Đầu tư công; Quy hoạch; Doanh nghiệp; Dữ liệu về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; Dữ liệu về hợp tác xã; Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã; Dữ liệu thống kê kinh tế - xã hội; Dữ liệu về đăng ký hộ kinh doanh; Dữ liệu về khu công nghiệp, khu kinh tế. Bảo đảm dữ liệu được tạo lập tuân thủ theo định dạng máy đọc được, sẵn sàng khả năng chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách dễ dàng. Tích hợp, đồng bộ dữ liệu trong các lĩnh vực trên về Trung tâm dữ liệu quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và truyền thông.

Xây dựng kế hoạch triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa công tác chỉ đạo điều hành của Bộ. Thu thập và khai thác, làm giàu nguồn dữ liệu lớn phát sinh trong quá trình chuyển đổi số của các lĩnh vực.

Triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ do Bộ ban hành, lưu trữ trong kho dữ liệu số của Bộ.

Hoàn thiện Hệ thống quản lý tài liệu điện tử (tại Bộ là Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc), Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng quy định của pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ.

Thứ tư, phát triển kết nối, chia sẻ dữ liệu. Kết nối, chia sẻ dữ liệu các nền tảng số: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (NDXP/LGSP), nền tảng thiết bị IoT, Trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu bao gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ và bộ, ngành địa phương; Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu quốc gia và Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung của Bộ; kết nối liên thông, mở chia sẻ dữ liệu để tập hợp tài nguyên dữ liệu từng ngành, lĩnh vực vào một đầu mối xử lý, phân tích, tạo ra các giá trị mới phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Chia sẻ, kết nối dữ liệu của Bộ với các CSDL quốc gia, các bộ, ngành, địa phương theo Quy chế kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được ban hành tại Quyết định số 1682/QĐ-BKHĐT ngày 22/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xây dựng các quy định văn bản hướng dẫn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đối với hoạt động mở, kết nối, chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp cho cơ quan nhà nước và cho cộng đồng. Xem xét các cơ chế hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp, chia sẻ dữ liệu có giá trị và cùng xây dựng các bộ dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung để phục vụ lợi ích chung.

Thứ năm, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho dữ liệu. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho Hệ thống mạng, Trung tâm dữ liệu, Trung tâm điều hành, các nền tảng số, Kho dữ liệu, các hệ thống thông tin của Bộ. Triển khai các phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình bảo vệ 4 lớp.

Giám sát an toàn, an ninh mạng thông qua Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng của Bộ, đảm bảo kết nối đầy đủ với Trung tâm giám sát thông tin quốc gia. Tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng theo quy định của pháp luật và của Bộ.

Thứ sáu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về quản trị dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ. Hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trao đổi về kỹ thuật, tiếp cận những công nghệ mới về dữ liệu.

Quyết định cũng đưa ra các giải pháp cụ thể về tổ chức bộ máy, mạng lưới; Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu và phát triển; Hợp tác nhà nước doanh nghiệp; Hợp tác quốc tế; Đo lường, giám sát, đánh giá triển khai

Bổ sung các chỉ số đánh giá về phát triển dữ liệu và Bội chỉ số chuyển đổi số (DTI) tại Bộ, bao gồm: đánh giá kết quả triển khai dữ liệu mở của các đơn vị thuộc Bộ; mức độ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia, khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu...

Định kỳ hằng tháng, hằng năm công bố kết quả đánh giá, làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, xếp hạng về mức độ phát triển dữ liệu, kết quả thực hiện Chiến lược dữ liệu của các đơn vị.

Để tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược, tại Quyết định, Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.

 

 
 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập