Lào Cai 26° - 28°
Hội thảo Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua một hành trình dài 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài và đang bước vào giai đoạn hợp tác đầu tư nước ngoài mới, với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của dòng vốn đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, 35 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được Đảng, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác của nền kinh tế.

Với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện, có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

35 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam, không chỉ trên khía cạnh nguồn lực đầu tư, mà còn góp phần quan trọng hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xuất nhập khẩu, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ, đóng góp cho ngân sách nhà nước, lôi kéo các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển...

Đồng thời, khu vực đầu tư nước ngoài cũng đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước, cũng như nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên thế giới và khu vực, giúp Việt Nam vươn ra biển lớn thành công; tạo động lực và góp phần để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng, góp phần đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của nhiều ngành hàng, lĩnh vực kinh tế quan trọng, đặc biệt là công nghiệp điện tử, đồng thời đưa Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và trân trọng những đóng góp to lớn này của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong các giai đoạn kinh tế - xã hội Việt Nam gặp khó khăn, ví như 3 năm Covid-19 vừa qua. Các nhà đầu tư nước ngoài đã nỗ lực cùng Việt Nam vượt qua thách thức, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thế giới vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng rất lớn tới dòng đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó là vấn đề mới phát sinh là từ năm 2024, một số nền kinh tế dự kiến áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình đang dần được cải thiện, khi số dự án đăng ký đầu tư mới vẫn tăng cao, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng tích cực hơn. Qua trao đổi, tiếp xúc, các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Nhiều tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Tiếp đà tăng trưởng tích cực đó, trong 3 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà phát triển, đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản, như kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm…

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã và đang chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua nhiều cải cách như Chính phủ cũng đã chỉ đạo tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, trên phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Chiến lược Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới... để Việt Nam sớm bắt kịp, tiến cùng trong một số ngành, lĩnh vực.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, để thực hiện thành công các mục tiêu trên, việc đề ra những giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả và có tính thực thi cao là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực..., trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số. Đổi mới sáng tạo chính là khâu đột phá của chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia.

Thứ hai, phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế, để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính.

Thứ ba, phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đưa khu vực đầu tư nước ngoài kết nối chặt chẽ với khu vực đầu tư trong nước, mang lại sức phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ nói trên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Chính phủ đã giao rất nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao hoàn thiện Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu sửa đổi; báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, nghề cụ thể; cũng như xây dựng cơ chế quản lý các hoạt động xúc tiến đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư…

Nhiệm vụ được giao là rất nặng nề, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định rằng, việc hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế…, như mục tiêu Nghị quyết 50-NQ/NW của Bộ Chính trị đề ra là rất quan trọng, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời khẳng định, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giúp Việt Nam tiếp tục đạt được những thành công quan trọng trong hợp tác đầu tư nước ngoài; tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên và đảm bảo đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp.

Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư để tiếp tục cải cách, tạo lập được môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất, hướng đến các chuẩn mực của OECD, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thuận lợi về mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, nguồn cung lao động có tay nghề, đồng thời nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước… nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.

Ảnh: MPI

Cùng nhau vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác cùng phát triển, hướng đến sự thịnh vượng chung

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, Việt Nam kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực nói trên, ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên, đem lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm và bền vững nền kinh tế.

Đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ nâng cao năng lực và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều hơn cho chính đối tác của mình.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung bày tỏ tin tưởng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hợp tác đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác cùng phát triển, hướng đến sự thịnh vượng chung.

Hội thảo là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận, đưa ra những đánh giá, phân tích và đề xuất những chính sách, giải pháp tăng cường hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, nhất là sự hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, phát triển xanh và tăng trưởng bền vững, qua đó góp phần quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng vào các dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển đất nước, năm 2030 và năm 2045.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc cùng nhau chia sẻ, lắng nghe, thảo luận và đánh giá để rút ra những bài học kinh nghiệm từ những mô hình thành công trong hợp tác đầu tư nước ngoài, nhận diện những xu hướng mới, những cơ hội cạnh tranh thành công trong thu hút những dòng vốn mới, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, cũng như đề xuất những ý tưởng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khơi thông, thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước là cần thiết vào thời điểm này.

Hội thảo cũng tạo cầu nối gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và đóng góp những kinh nghiệm thiết thực giữa lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, cùng đại diện các hiệp hội và các doanh nhân - nhà đầu tư trong nước và quốc tế trên mọi lĩnh vực từ khía cạnh vốn đầu tư, nguồn lực tài chính, cho tới các lĩnh vực sản phẩm hàng hóa, xuất khẩu, thị trường, công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp, lao động, lan tỏa chuỗi giá trị toàn cầu…

Hai phiên thảo luận với chủ đề: Cùng nhau phát triển” và “Thúc đẩy dòng vốn mới” diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo. Ảnh: MPI

Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai

Tại Hội thảo, các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài như SAMSUNG VIỆT NAM, AEON VIỆT NAM, Ngân hàng UOB và doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như VPBank đã có bài tham luận và đều đánh giá cao Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư; chia sẻ những định hướng về mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Việt Nam và Samsung đã viết nên một câu chuyện thành công đáng nhớ về việc đôi bên cùng thắng.

Để tăng cường năng lực cạnh tranh vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, ông Choi Joo Ho nêu các đề xuất liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư; việc thực hiện các cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp; các hoạt động cống hiến xã hội tại Việt Nam.

Ông Choi Joo Ho cho rằng, từ sau khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã liên tục cải thiện môi trường đầu tư, qua đó thu hút các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư phải được thực hiện liên tục, dựa trên những biến đổi của môi trường bên ngoài để triển khai những cải cách phù hợp. Đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đúng những chính sách hỗ trợ đã cam kết sau khi Samsung đầu tư và kết quả là Samsung đã liên tục được cung cấp một môi trường kinh doanh tuyệt vời nhất.

Ông Choi Joo Ho đề xuất các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên tục thực hiện các hoạt động cống hiến xã hội tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không thể chỉ hưởng lợi ích tại Việt Nam rồi rời đi, mà cần phải cùng đồng hành và phát triển với người dân Việt Nam. Chúng ta cần một tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Đồng thời bày tỏ, nếu các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng cường hơn nữa các hoạt động trách nhiệm xã hội tại Việt Nam và đồng hành cùng Việt Nam, thì mối quan hệ giữa Việt Nam và các doanh nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở mối quan hệ kinh doanh, mà còn phát triển thành quan hệ đối tác, có thể cùng nhau vượt qua bất cứ khó khăn nào.

Ông Furusawa Yasuyuki, thành viên ban Giám đốc Điều hành của Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cảm ơn Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ban, ngành, các cơ quan tổ chức và đối tác kinh doanh đã đồng hành và hỗ trợ AEON trong quá trình phát triển tại Việt Nam; nhấn mạnh đến các cơ hội và mong muốn hợp tác, chung tay đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai và có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Trong thời gian tới, AEON sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động giới thiệu sản phẩm của Việt Nam tới các thị trường quốc tế.

Hội thảo có hai phiên thảo luận chính với chủ đề: Cùng nhau phát triển” và “Thúc đẩy dòng vốn mới”. Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đã cùng chia sẻ những câu chuyện thành công và bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp cũng như hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua vốn giải ngân trực tiếp, hoạt động cộng đồng, đóng góp về thuế, lao động… Phiên thảo luận đã đưa ra những nhận định về chính sách của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, những nhận định về xu hướng đầu tư và khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh đến thông điệp, cam kết của Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà đầu tư và chỉ đạo các bộ, ngành địa phương trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư; chia sẻ về tình hình thu hút đầu tư hiện nay và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra những nhận diện khả năng có dòng vốn mới và cơ hội cạnh tranh trong khu vực nhằm đón dòng vốn mới, đặc biệt dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam, hướng tới mục tiêu chung về thu hút dòng vốn nước ngoài hiệu quả và chất lượng./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập