Lào Cai 27° - 29°
Hội thảo Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MPI

Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân có liên quan đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 57) trên toàn quốc, xác định những bất cập, vướng mắc của Nghị định, xác định những ưu điểm cũng như cập nhật tình hình, bối cảnh mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, chủ trương phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã đạt những kết quả tích cực, tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu, liên kết sản xuất.

Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, dân số hầu hết tập trung ở nông thôn; Nông nghiệp có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; là nước xuất khẩu nông nghiệp lớn với nhiều mặt hàng có mặt trên thị trường thế giới và nhiều mặt hàng đã đứng vững như sản xuất gạo; thủy sản; chế biến gỗ… và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Sau 5 năm thực hiện Nghị định 57, bên cạnh những kết quả đạt được trong hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ sau đầu tư… vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện để Nghị định đi vào cuộc sống, hỗ trợ trúng và đúng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội, thành viên Chính phủ. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các đại biểu phát biểu thắng thắn, trách nhiệm, phát huy được điểm tích cực trong thời gian qua, tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là cập nhật những quy định mới phù hợp với tác động của kinh tế thế giới cũng như phù hợp với những mục tiêu, định hướng lớn của đất nước.

Đại diện Vụ Kinh tế nông nghiệp trình bày dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Dương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quá trình thực hiện Nghị định 57 đã gặp một số vướng mắc, bất cập. Nghị định ra đời trong bối cảnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được ban hành, các địa phương đều khó khăn về ngân sách, không cân đối được nguồn vốn bổ sung để hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc sửa đổi Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở cụ thể thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ tại khoản 2 Điều 18 Luật Đầu tư năm 2020 về “hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”; cụ thể hóa “đối tượng chính sách khác” của đầu tư công quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Đầu tư công năm 2019.

Về một số điểm mới của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57, ông Nguyễn Thanh Dương cho biết, về hình thức hỗ trợ, thống nhất theo các hình thức hỗ trợ quy định tại Khoản 1, Điều 18 Luật Đầu tư năm 2020, được đổi thành các chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án nông nghiệp (tài sản cố định) nhằm thuận lợi trong thực hiện, dễ giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

Về nội dung hỗ trợ, Dự thảo đưa ra 21 ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp được hỗ trợ theo pháp luật đầu tư (các ngành, nghề theo danh mục của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020).

Nghị định tiếp tục hỗ trợ các nội dung đầu tư cơ sở chăn nuôi bò, lợn, nuôi trồng thủy sản và các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Đây là các sản phẩm chủ lực, còn dư địa phát triển của ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, có giá trị gia tăng cao; bảo vệ an toàn thực phẩm, hướng tới mục tiêu người dân Việt Nam được sử dụng nông sản sạch, chất lượng cao.

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về điều kiện hỗ trợ; Bổ sung quy định về kiểm toán độc lập. Dự thảo gồm V chương, 18 Điều, quy định một số cơ chế, chính sách, hình thức hỗ trợ đầu tư của Nhà nước; trình tự, thủ tục và thẩm quyền thực hiện hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Theo Dự thảo, nguyên tắc thực hiện là Nhà nước hỗ trợ đầu tư thông qua hỗ trợ một phần chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ một phần vốn vay thương mại và đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp theo dự án quy định tại Nghị định này là mức hỗ trợ tối đa, mức hỗ trợ cụ thể do cơ quan có thẩm quyền quyết định căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp tự bỏ vốn, huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của pháp luật đầu tư. Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư theo quy định tại Nghị định này.

Ưu tiên hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư có quy trình sản xuất thân thiện môi trường, tiêu tốn ít năng lượng; dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, dự án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp, dự án nông nghiệp có hiệu quả cao; dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trong cùng một thời gian, nếu dự án đầu tư của doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ đầu tư tại Nghị định này mà trùng với các quy định khác của pháp luật có liên quan thì doanh nghiệp được lựa chọn chính sách có mức hỗ trợ có lợi nhất.

Trường hợp dự án đầu tư của doanh nghiệp gồm nhiều ngành, nghề, lĩnh vực đều đáp ứng điều kiện hỗ trợ chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng trong hàng rào dự án tại Điều 8, 9, 10 Nghị định này thì doanh nghiệp được lựa chọn một mức hỗ trợ có lợi nhất.

Trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của Nghị định này thì ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và sử dụng nhiều lao động nữ hơn.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Tham gia ý kiến góp ý, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị định, bày tỏ mong muốn Nghị định được sửa đổi, ban hành sẽ đi vào cuộc sống, thực sự phù hợp với thực tế, đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp; tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm việc làm, thu nhập cho dân cư nông thôn. Đồng thời tập trung thảo luận vào một số nội dung như phương thức hỗ trợ doanh nghiệp; các quy định hỗ trợ khác của nhà nước đối với doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như vấn đề miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án; hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và khoa học và công nghệ.

Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công của nhà nước, hình thành các hệ thống sản xuất, chế biến nông sản từ khâu sản xuất ban đầu đến sản phẩm cung cấp cho thị trường, logictics; trình tự, thủ tục về thẩm định, nghiệm thu, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận hỗ trợ nhưng cũng vừa đảm bảo vấn đề quản lý nhà nước về giám sát, đánh giá khoản vốn hỗ trợ; các mức hỗ trợ đối với doanh nghiệp.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh Nghệ An, Đồng Tháp, Lào Cai, Vĩnh Phúc bày tỏ nhất trí với nội dung Dự thảo và cho rằng, việc xây dựng Nghị định là cần thiết, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời cho ý kiến thêm về ưu tiên hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng; dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, dự án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp, dự án nông nghiệp có hiệu quả cao; dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và sử dụng nhiều lao động nữ hơn; Hạn mức vốn vay hỗ trợ lãi suất; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy trình, cơ chế đầu tư về chăn nuôi gia cầm; điều kiện được nhận hỗ trợ theo quy định của Luật Đầu tư; xây dựng nhà máy tại khu chăn nuôi không có khu công nghiệp; tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ dự án đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa; điều khoản chuyển tiếp; chủ trương đầu tư; thẩm định, thanh quyết toán.

Bên cạnh ý kiến từ góc độ các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã, Hội thảo cũng nhận được ý kiến góp ý từ phía các bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Văn phòng Chính phủ... Các ý kiến tập trung vào đối tượng, lĩnh vực hỗ trợ; lãi suất vốn vay; Nguồn vốn và quy trình giao vốn hỗ trợ; trình tự và thủ tục hỗ trợ đầu tư.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cảm ơn và đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến với các góc nhìn từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, các sở, ngành địa phương, qua đó có thêm thông tin phục vụ nghiên cứu, hoàn thiện Nghị định, đảm bảo tính khả thi về thực hiện, nguồn lực và kiểm tra, giám sát. Các ý kiến đánh giá cao nội dung của dự thảo Nghị định; khẳng định vai trò quan trọng của Nghị định, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Trên cơ sở các ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 57, đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm các chính sách đưa ra theo đúng thẩm quyền, có trọng tâm, trọng điểm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; rà soát bổ sung các lĩnh vực theo mô hình kinh tế mới; đánh giá tác động gắn với quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp; đánh giá đối tượng sau đầu tư; rà soát thêm đối tượng theo quy định Nghị định 80/2021/NĐ-CP… Qua đó nhằm thúc đẩy hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập