Lào Cai 22° - 25°
Hướng tới đạt được mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Đồng thời khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ nghiêm túc tiếp thu những chỉ đạo sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ để triển khai, xử lý hiệu quả các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật.

Nhân dịp này, thay mặt các bộ, ngành của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao và cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, các Hiệp hội, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã đồng hành trong suốt 25 năm qua. Sự đồng hành đó đã đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua.

Tại Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp và các bộ, ngành đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận rất xác đáng, đúng trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng về những định hướng lớn, cũng như nhiệm vụ mà Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần phải tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư cho tăng trưởng xanh, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nhiều chính sách, biện pháp cải cách đã được Chính phủ xây dựng, điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Khung pháp lý về tăng trưởng xanh ngày càng được hoàn thiện, các chính sách ưu đãi ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, cải cách khâu thực thi, tối ưu hóa các thủ tục hành chính liên ngành; đồng thời, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin, chính sách, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật.

Về phát triển kinh tế số, xem xét xây dựng khung pháp lý toàn diện, bao trùm về hòa nhập số và cạnh tranh trong nền kinh tế số, an ninh mạng, giao dịch điện tử, định danh điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân; tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng số; phát triển đội ngũ nhân tài số, xây dựng xã hội số; ưu tiên các công nghệ nền tảng như Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây và Phát triển phần mềm.

Về điện, năng lượng, nghiên cứu điều chỉnh thể chế và cơ sở hạ tầng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện hydro xanh, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện khí/LNG); xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến, đảm bảo nguồn điện phụ tải; hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế thị trường để phát triển pin dự trữ năng lượng sạch; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng; sớm thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Về thị trường vốn, cần cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư, kiểm soát tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống tài chính; phát triển thị trường tài chính “xanh”, giải quyết hiệu quả những biến động liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn và nguồn lực cho phát triển bền vững; tăng cường cơ chế giám sát, điều tiết và giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Về thuế và hải quan, cần sớm xây dựng các giải pháp ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu; xem xét ưu đãi thuế cho các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường và các phương tiện giao thông ít phát thải như xe điện; đẩy nhanh thủ tục hải quan tại các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu chính.

Về y tế, cần xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn và lộ trình triển khai cơ sở y tế xanh, bền vững; đảm bảo hệ thống quản lý chất thải y tế đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; ứng dụng công nghệ xanh, năng lượng sạch trong xử lý chất thải y tế; xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện để theo dõi tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí đến sức khỏe; tăng cường chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc trong nước; nghiên cứu dỡ bỏ một số yêu cầu đặc thù của quốc gia để hài hòa quy trình quản lý của Việt Nam với các tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu.

Về du lịch, cần tăng cường phục hồi và phát triển du lịch; thúc đẩy các mô hình phát triển du lịch bền vững, du lịch sinh thái; xây dựng tiêu chí và triển khai dán nhãn du lịch xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch; xem xét đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, miễn thị thực cho các nước phát triển và các nước có nhiều khách du lịch.

Đại diện các bộ, ngành cũng đã có những ý kiến phản hồi và trao đổi cụ thể, chi tiết, đúng trọng tâm. Qua đó, làm rõ hơn các nội dung mà các bên cùng quan tâm, đặt ra yêu cầu cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong các vấn đề kinh tế xanh, kinh tế tuần toàn, kinh tế tri thức, chuyển đổi số và năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp và Nhóm công tác của VBF đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược tăng trưởng xanh và thực hiện tốt các cam kết về phát triển bền vững. Từ đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng thể hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu tại phiên bế mạc, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk nhấn mạnh, Diễn đàn thể hiện mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ Việt Nam; đánh giá cao vai trò quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong suốt 25 năm qua đối với Diễn đàn, đặc biệt vai trò của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chuyển đổi Diễn đàn thành kênh chia sẻ thông tin cũng như đưa ra những kết luận, giải pháp trong đó có chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Bà Carolyn Turk cũng nhấn mạnh đến vấn đề quy hoạch điện VIII, đây là quy hoạch quan trọng; cơ chế giá và các hoạt động mua sắm đấu thầu cho hoạt động năng lượng tái tạo, đảm bảo minh bạch và mang tính cạnh tranh; cách tiếp cận mua bán điện; khung khổ mua sắm đấu thầu; đầu tư vào truyền tải và cung cấp lưới điện; cơ hội để tiếp cận thị trường các-bon của Việt Nam và mong muốn được hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Đại diện cho Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, ông Soren Roed Pedersen, Đồng Chủ tịch nhấn mạnh, Diễn đàn là kênh đối thoại quan trọng, đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam; đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề của doanh nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề thách thức và các doanh nghiệp cũng thế. Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra các kế hoạch, tầm nhìn dài hạn đảm bảo chia sẻ rủi ro, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện tăng trưởng xanh; cam kết nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho thành công, phát triển của kinh tế Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: MPI

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Soren Roed Pedersen cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam, đặc biệt là vai trò điều phối dẫn dắt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đưa ra phiên kỹ thuật và phiên cấp cao và hy vọng đây tiếp tục là kênh đối thoại tích cực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập