|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: VGP |
Phiên họp nhằm tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với 3 đề nghị xây dựng luật, 3 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, trong đó có đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Trình bày báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ các nội dung của Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối với các các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), trong đó đưa ra các nhóm chính sách nhằm thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); Đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đối với đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, trong đó, về việc sửa đổi Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các nhóm chính sách sửa đổi Luật này liên quan đến hoàn thiện quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia; mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; kinh phí cho hoạt động quy hoạch để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; Hoàn thiện quy định về nội dung quy hoạch; thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch; thủ tục điều chỉnh quy hoạch và báo cáo hoạt động quy hoạch.
Về việc sửa đổi Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các nhóm chính sách nhằm tăng cường phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh; Hoàn thiện quy định đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch đô thị khi chấp thuận chủ trương đầu tư; chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và bổ sung quy định về Quỹ hỗ trợ đầu tư; Quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt.
Về việc sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các nhóm chính sách được đề xuất liên quan đến mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP; hoàn thiện cơ chế tài chính đối với dự án PPP; Đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với dự án PPP, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; Xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao), BT (Xây dựng - Chuyển giao) chuyển tiếp.
Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, các chính sách được đề xuất nhằm xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu và tăng cường phân cấp trong việc quyết định các nội dung về đấu thầu.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tham gia thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung cụ thể của từng nội dung cụ thể. Trong đó, đối với đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), các đại biểu quan tâm các chính sách nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của đầu tư công; việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư công; các cơ chế, công cụ đánh giá hiệu quả và giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong việc thực hiện đầu tư công…
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, các đại biểu thảo luận về các nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, như: Quy định điều chỉnh quy hoạch; việc mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án đối tác công tư; việc xử lý khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao), BT (Xây dựng - Chuyển giao) chuyển tiếp; phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VGP |
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ, ngành đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các nội dung; nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện các đề nghị, dự án luật, pháp lệnh. Đồng thời yêu cầu các bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến, hoàn thiện các đề nghị, dự án luật, pháp lệnh; tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện các dự thảo luật; giao Phó Thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện các nội dung nêu trên.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật và yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo; bố trí nguồn lực, cán bộ có trình độ, tâm huyết cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế, từ đó tháo gỡ khó khăn vướng mắc, huy động mọi nguồn lực xã hội để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh phải bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đi vào cuộc sống; các cơ quan Nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, gồm xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, thực hiện sơ kết, tổng kết, khen thưởng, kỷ luật…
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, đồng thời phân bổ các nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật, đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết.
Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực với phương châm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp"; kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; quản lý được nhưng phải thông thoáng và rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; lắng nghe, cầu thị tiếp thu ý kiến đối tượng tác động, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận cao./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tư