Lào Cai 25° - 26°
Thứ trưởng Trần Duy Đông làm việc với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Thứ trưởng Trần Duy Đông và Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông cảm ơn sự hỗ trợ của WB trong việc cung cấp nguồn lực, tư vấn cải cách thể chế dành cho Việt Nam trong thời gian qua. WB đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nghiên cứu về đổi mới quản trị vùng tại vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thể hiện quyết tâm phát huy tối đa vai trò của vùng Đông Nam Bộ để trở thành đầu tàu phát triển của cả nước. Với 06 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, Vùng đã đưa ra tầm nhìn mới trong phát triển, tập trung vào kinh tế số, chuyển đổi số, khoa học - công nghệ.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao nghiên cứu của WB đã cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng chung được đề ra trong Nghị quyết số 24-NQ/TW; đưa ra mô hình quản trị vùng cải tiến, cơ chế phát triển mới. Vấn đề tổ chức liên kết vùng, hệ thống kết cấu hạ tầng, vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu còn đang là điểm nghẽn, hạn chế khả năng phát triển của vùng Đông Nam Bộ. Vì vậy, nghiên cứu của WB cần tập trung vào việc huy động nguồn lực, cơ hội phát triển logistics, cơ chế đặc thù cũng như tầm nhìn quốc tế để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Bà Carolyn Turk cho biết, WB đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xác định các ưu tiên đầu tư và chính sách liên quan để thúc đẩy sự phát triển bền vững của Vùng. Vì vậy, WB mong muốn có thể cùng đóng góp vào sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi WB, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ) và các chuyên gia quốc tế, trong số 06 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, vùng Đông Nam Bộ là vùng đô thi hóa và kinh tế sôi động nhất, đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Trong giai đoạn 2016-2020, vùng Đông Nam Bộ chiếm 40% GDP cả nước và 42% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI; tuy nhiên, hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của Vùng đã bị tụt hậu trong những năm gần đây.

Để vùng Đông Nam Bộ có mô hình quản trị đổi mới, tháo gỡ các điểm nghẽn và tăng cường sự phát triển, WB sẽ tập trung hỗ trợ đánh giá thể chế và đưa ra lộ trình để vận hành hiệu quả mô hình quản trị; xây dựng cơ chế đầu tư vùng để có đủ nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên; tăng cường năng lực và trao đổi thông lệ toàn cầu.

Bà Carolyn Turk hi vọng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hợp tác chặt chẽ với WB để cùng tạo nên sự đột phá, đưa vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hoàn thành sứ mệnh mới./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập